Chào các bạn,
Tôi đã đọc ý kiến của nhiều người về vấn đề “chồng nội, chồng ngoại”, xin được góp thêm một vài ý kiến từ vị trí của người lấy “chồng nội” nhưng sống ở nước ngoài.
Ở Việt Nam tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm nhiều năm. Qua đây tôi đi học đại học lại và hiện làm cho một công ty của châu Âu có chi nhánh ở Mỹ. Chồng tôi xuất cảnh năm 20 tuổi, hiện cũng làm việc cho một hãng lớn của Mỹ. Nói chung chúng tôi có cuộc sống khá yên bình trong gia đình và sự nghiệp. Tôi về Việt Nam thường xuyên và vẫn giữ quan hệ tốt với bạn bè.
Trong nhóm bạn nữ của tôi ở Việt Nam (đều tốt nghiệp đại học) hiện giờ thì một người vừa hoàn tất thủ tục ly dị, một đã có chồng thứ hai, một ly dị và vẫn còn một mình, một có chồng ngoại tình cách đây 3 năm, nhưng đã hàn gắn được. Một bạn đang tính chuyện ly dị vì chồng không có năng lực, nhưng chỉ thích làm chủ nên toàn phá hại tài sản, một chưa có chồng. Hai người có cuộc sống khá hạnh phúc. Hai người còn lại thì số ngày chồng không đi nhậu trong một tháng chưa qua khỏi số ngón tay, mà theo các bạn ấy thì “chưa bồ bịch là được”.
Có bạn nói rằng Trúc Quỳnh chẳng dựa trên một nghiên cứu khoa học nào, cũng không phải chuyên gia tâm lý hay xã hội học mà đã so sánh, kết luận này nọ. Có lẽ các bạn quên rằng đây là mục Tâm sự, chứ không phải là diễn đàn của những nhà nghiên cứu, và chúng ta góp ý cho cá nhân chứ không phải đề ra chính sách cho xã hội. Những vấn đề chúng ta đưa ra bàn luận ở đây là từ sự cảm nhận thực tế về những gì đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cá nhân. Và với thực tế ở chung quanh tôi và bạn bè tôi, tôi rất buồn mà phải nói rằng cuộc sống hôn nhân ở Việt Nam hiện tại thật sự là một vấn đề trầm trọng.
Các bạn đem những con số thống kê, những câu chuyện “chồng ngoại” đối xử tệ với “vợ nội” để biện hộ rằng “chồng nội” vẫn còn tốt lắm. Các bạn quên rằng chỉ cần bớt đi một người chồng ngoại tình, lang chạ, nhậu nhẹt bê tha, bạo hành thì đã có nhiều cuộc đời (người vợ và những đứa con) được hạnh phúc, hay ít nhất cũng là “kém bất hạnh”. Chỉ cần nhìn một người thân, một người bạn đau khổ trong hôn nhân chúng ta đã thấy xót xa lắm rồi.
Nếu mấy trăm bạn đọc đồng ý với Quỳnh từ cảm nhận thực tế của họ thì sự thật là có biết bao nhiêu người phụ nữ, trẻ con đang phải chịu đựng hậu quả của những cuộc hôn nhân cay đắng. Những con số thống kê chính xác theo tiêu chuẩn khoa học có ý nghĩa gì hơn khi trước mắt chúng ta nhan nhản những cảnh đời nghiệt ngã vì một ông chồng bất nhân, bất nghĩa? Vả lại chồng ngoại có xấu cũng chẳng có nghĩa là “chồng nội” tốt, vì chữ “tốt” chúng ta dùng ở đây không phải là một khái niệm tương đối hay trừu tượng cao xa gì, mà đơn giản là khái quát hóa những tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu của một người chồng: chung thủy, tôn trọng, chia sẻ niềm vui, công việc gia đình với vợ con.
Theo tôi về cơ bản có ba kiểu người. Kiểu người có bản chất nhân hậu, được giáo dục tử tế, sống trong môi trường nào cũng không vì quyền lợi cá nhân mà làm hại người khác về thể chất hay tinh thần. Kiểu thứ hai là người có bản chất xấu, hoặc thiếu giáo dục, chỉ có pháp luật mới có thể bắt họ sống trong khuôn khổ xã hội chấp nhận được. Chiếm đại đa số và quyết định bộ mặt của xã hội là loại người “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”.
Ở Việt Nam, do tác động của nhiều yếu tố nên vài năm gần đây số người xấu quá lộng hành, làm “đen” cả thành phần chiếm đa số. Những người tốt thì quá ít ỏi so với người xấu nên mới có vấn đề “tìm chồng tốt khó quá”. Những nước văn minh có kinh tế ổn định, có chương trình giáo dục nhân cách, pháp luật nghiêm minh, chế tài hiệu quả hơn nên hạn chế được hành vi của nhiều kẻ xấu và làm cho người bình thường hướng về điều thiện nhiều hơn.
Chồng tôi là người Huế, lớn lên trong gia đình nổi tiếng về vấn đề gia trưởng. Tuy vậy vì chúng tôi hiểu biết về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng nên gia đình tôi tuyệt đối không có chuyện “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, mà tuyệt đối tôn trọng nhau. Kế bên nhà tôi là vợ chồng người Hàn Quốc. Người vợ gặp chúng tôi thì chào hỏi vui vẻ, còn người chồng thì chỉ lạnh nhạt một tiếng “hi”, thậm chí còn làm lơ. Nhìn trang phục, lối sống của họ tôi nghĩ người chồng là bác sĩ. Họ dọn đến vài tháng thì một buổi tối tôi nghe tiếng la hét của người chồng và tiếp theo là tiếng gào khóc của người vợ.
Tôi rất bồn chồn vì nhà chúng tôi cách nhau khoảng 3 mét, đều có cửa kính hai lớp cách âm khá tốt, nếu nghe tiếng khóc lớn như vậy chắc phải có vấn đề gì nghiêm trọng. Tôi đang tìm phone để gọi cảnh sát thì vợ chồng người Mỹ nhà đối diện nói là họ đã báo rồi. Cảnh sát đến, vào nhà khoảng 30 phút rồi đi. Hôm sau tôi lại thấy vợ chồng tung tăng ngoài đường rất vui vẻ. Từ đó đến nay đã mấy năm không nghe ồn ào lần nào nữa.
Năm ngoái dì chúng tôi ở Huế qua Mỹ du lịch. Tuần đầu tiên dì than thở là “dì qua đây ở nhà không ai lo cho dượng, con gái của dì (30 tuổi) làm sao lo cho ông bằng dì được”. Ba tháng sau gặp lại tôi dì bảo: “Mẹ chồng con sướng quá, dì thấy ba chồng con nấu cơm, rửa chén, dọn dẹp, làm vườn, chứ chồng dì chỉ có ngồi đọc báo, xem tivi, đợi bưng cơm nước lên tận miệng. Dì hầu hạ ông cả đời rồi, bây giờ về không hầu nữa”.
Nhiều bạn chê bai những người lấy chồng ngoại rồi quay lưng lại với “cây nhà lá vườn”. Thật ra chính vì chúng tôi sống trong một môi trường lành mạnh mới nhìn thấy được lối sống tệ hại của nhiều đàn ông ở Việt Nam, ngay cả trong giới trí thức thành thị. Những chuyện ngoại tình, bạo hành, nhậu nhẹt mà hầu hết bạn bè của tôi đều chặc lưỡi bỏ qua thì chúng tôi không thể nào chấp nhận được.
Nếu dì tôi không qua đây thì cả đời dì hầu hạ ông chồng mà không biết rằng ở nơi khác những người như dì hạnh phúc hơn rất nhiều. Tôi nghĩ Trúc Quỳnh đưa vấn đề này ra cũng chỉ để cho các bạn biết rằng ở nơi khác trên thế giới có nhiều cuộc hôn nhân rất tốt đẹp, hay ít nhất cũng ít tồi tệ như ở Việt Nam hiện tại. Tôi không có tham vọng những lời tâm sự trên diễn đàn này sẽ làm cho những người đàn ông đang đối xử tệ bạc với vợ con một sớm một chiều thay đổi cách sống. Tôi chỉ mong những phụ nữ đang “chịu đựng” hôn nhân của họ có cách nhìn khác hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình và dũng cảm đấu tranh cho những quyền lợi đó.
Tôi cảm thấy rất buồn cho những người phụ nữ sống ở Australia như bạn Nguyen miêu tả. Tuy vậy, nếu họ đau khổ vì sự đối xử tệ bạc đó thì cũng đừng trách những người ngoại quốc xấu, hãy trách họ đã được xã hội bao bọc như vậy mà còn quá phụ thuộc để mất cả lòng tự trọng.
Chuyện người Australia không thích thức ăn Việt Nam, không thích con nói tiếng Việt cũng giống như người Việt không thích mùi thức ăn Ấn Độ hay không thích con nói tiếng Mỹ trong nhà, không nhất thiết liên quan đến việc tôn trọng hay coi thường cả một dân tộc. Trẻ con sinh trưởng ở nước ngoài nếu không được khuyến khích liên tục hay bắt buộc thì chúng cũng chẳng nói tiếng Việt, không cần phải cấm đoán.
Chị tôi không nói tiếng Việt với con ở nhà vì không muốn chúng phải học thêm ESL (English as second language) ở trường. Trong bàn tiệc có nhiều người nước ngoài mà vài người nói tiếng Việt với nhau, tôi cho là hết sức bất lịch sự, và chúng ta phải tự biết điều đó, không đợi ai phải cấm đoán. Người Việt ở đây cũng hay xem thường người Mễ, đơn giản vì đa số dân Mễ làm lao động chân tay, ít học.
Nếu người Australia không thích giao du với người Việt thì chúng ta cũng nên tự hỏi vì sao, phải chăng vì cách sống của một số ít người Việt làm cho họ mất thiện cảm? Những người đi làm đóng thuế đầy đủ như tôi không thể nào thích được những người gian dối để lợi dụng những phúc lợi xã hội. Bài viết của Hằng Nga đã đề cập phần nào thực trạng đáng buồn đó.
Không ít người Việt ở đây làm kinh doanh theo kiểu chụp giựt, lừa đảo được tới đâu hay tới nó. Mới đây tôi cũng bị một tiệm khá lớn của người Việt nợ tiền hàng hóa không trả, đợi đến lúc tôi đòi thưa kiện mới chịu giải quyết. Bản thân tôi là người Việt mà còn không muốn giao dịch với người Việt sau vụ tranh chấp đó, thử hỏi người ngoại quốc nghĩ gì nếu họ cũng xui xẻo gặp phải những người như vậy?Tôi không có ý rằng những người Australia kia là không xấu vì tôi không biết cụ thể về cuộc sống, quan hệ của họ với người chung quanh. Tôi chỉ muốn nêu ra một cách nhìn khác của vấn đề.
Điều tôi muốn nhắn nhủ các bạn gái là nước ngoài chỉ tạo cơ hội cho các bạn có một cuộc sống xứng đáng với công sức của các bạn. Các bạn có thấy những người ngoại quốc giàu sang lịch lãm thường cưới những cô gái Việt Nam giỏi giang xinh đẹp ở Việt Nam? Quỳnh, Vân có thể là trường hợp cá biệt vì họ là người xinh đẹp giỏi giang và có được những người chồng quá tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu các bạn là người độc lập, suy nghĩ đúng đắn, thì sẽ không quá khó khăn (như ở Việt Nam) để tìm được một người chồng Việt hay ngoại quốc tốt.
Tôi cũng tin rằng việc cùng một nguồn gốc văn hóa hay ngôn ngữ không quá quan trọng. Những người thật sự hòa hợp thì không cần nói ra đối phương cũng hiểu họ nghĩ gì, muốn gì. Việc học thêm một ngoại ngữ từ chính chồng/vợ của mình cũng không quá khó khăn. Khi người bạn đời của chúng ta đáng được thương yêu trân trọng, chúng ta sẽ chấp nhận văn hóa của họ một cách tự nhiên. Ngay cả người Việt với nhau cũng không phải lúc nào cũng chấp nhận được “văn hóa” và ngôn từ của người khác.
Còn đàn ông Việt Nam hãy chứng minh sự tốt đẹp của mình bằng hành động cụ thể. Nếu những người vợ, con của các anh thật tình ca ngợi các anh thì chúng tôi sẽ tự thấy rằng sự so sánh của mình là sai lầm, chứ không ai nghe những lời “mèo khen mèo dài đuôi” cả.
Chúc các bạn vui khỏe.
Source: Laychongvietkieu